LTS: Năm 1997, tỉnh Bình Dương được tách ra từ tỉnh Sông Bé. Trải qua 25 năm phát triển, Bình Dương đã bứt phá trở thành địa phương có nền sản xuất công nghiệp hiện đại hàng đầu khu vực và cả nước, là điểm sáng trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Chủ trương, tư duy đổi mới để tỉnh đột phá về kinh tế-xã hội chính là phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Bài 1: Chủ trương đúng đắn, quyết sách kịp thời
Lựa chọn hướng đi phù hợp với đặc thù của địa phương và xác định đúng những yếu tố cần thiết cho sự phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu quan trọng trong chủ trương lãnh đạo của Tỉnh ủy Bình Dương. Trên cơ sở đó, tỉnh xác định những mục tiêu ưu tiên và tầm nhìn chiến lược ĐMST cho từng giai đoạn.
Lãnh đạo phát triển về cơ sở hạ tầng công nghiệp
Bình Dương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích tự nhiên chiếm 12% diện tích miền Đông Nam Bộ. Khi mới tái lập tỉnh năm 1997, quy mô kinh tế của Bình Dương chỉ đạt 3.919 tỷ đồng với tỷ trọng các ngành nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ trong cơ cấu kinh tế lần lượt chiếm tỷ lệ 22,8%-50,4%-26,8%. Khi đó, Bình Dương chỉ có 6 khu công nghiệp (KCN) với diện tích quy hoạch 800ha, hoạt động kém hiệu quả; thu ngân sách 817 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5,8 triệu đồng/năm...
Trước thực tế ấy, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã trăn trở và đi đến thống nhất xác định chủ trương đổi mới, ưu tiên phát triển các KCN tập trung, tạo môi trường thông thoáng với khẩu hiệu “trải thảm đỏ” để thu hút nhanh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Theo lời kể của đồng chí Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Sau khi tái lập, Bình Dương tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ, bảo đảm ổn định và phát triển nhanh. Thường vụ Tỉnh ủy đã bàn tới việc xây dựng KCN Việt Nam-Singapore (VSIP 1) và quyết định tập trung phát triển một số KCN, từng bước gắn với ứng dụng KHCN và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp. Lúc đó chưa có tỉnh nào dám xin đầu tư xây dựng quốc lộ, nhưng Bình Dương đã xin Trung ương cho đầu tư dự án Quốc lộ 13 để vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN hiện có và xây dựng thêm các KCN mới.
Đường giao thông phát triển tới đâu, KCN mọc lên tới đó, như: VSIP 1, Mỹ Phước 1, 2, 3... Đây là một chủ trương, cách làm công nghiệp sáng tạo với tinh thần tiên phong của tỉnh Bình Dương qua các kỳ đại hội Đảng. Chủ trương đổi mới bước đầu khẳng định thành công. Năm 2000, hệ thống đường bộ, đường ô tô đã đến được 79/79 xã, phường, thị trấn trong tỉnh (trong đó trên 80% là đường nhựa); mạng lưới điện quốc gia được triển khai phủ rộng đến 100% đơn vị cấp xã với 82% số hộ dân có điện sinh hoạt, điện phục vụ sản xuất...
Nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Dương trong các kỳ đại hội tiếp tục chọn phát triển công nghiệp là khâu đột phá, có vai trò tác động trở lại dịch vụ và nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân. Điển hình như Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2005-2010 đã mở ra chặng đường đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH, đưa Bình Dương sớm trở thành một địa phương văn minh, hiện đại...
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định nhiệm vụ và các khâu đột phá, trong đó có: “Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại”; “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN theo hướng đô thị thông minh”. Đặc biệt, trong thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Tỉnh ủy Bình Dương xác định mục tiêu tổng quát là: “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới trong mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên KHCN, ĐMST và nhân lực chất lượng cao...”.
Chủ động các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo
Những năm qua, Tỉnh ủy Bình Dương luôn xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững dựa trên nền tảng KHCN và ĐMST. Chọn phát triển công nghiệp là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ năm 2001 đến 2021, tỉnh Bình Dương đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển thêm các KCN, cụm công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 29 KCN, trong đó có 27 khu đi vào hoạt động và 12 cụm công nghiệp.
Theo số liệu thống kê, năm 1997, dân số tỉnh Bình Dương chỉ có 679.000 người. Để bảo đảm lực lượng lao động phục vụ phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài địa phương. Điển hình như các chương trình: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học-kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020; Đề án bảo đảm nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, đến năm 2025...
Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một chia sẻ: “Để góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương, trường đã xây dựng chương trình đào tạo, nhấn mạnh chuẩn đầu ra gồm 4 yếu tố: Thành thạo ngoại ngữ, kỹ năng hội nhập, kỹ năng mềm; xây dựng yếu tố văn hóa doanh nghiệp; đào tạo công nghệ thông tin; năng lực nghề nghiệp. Hằng năm, nhà trường cung cấp một lượng lớn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước". Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng và dạy nghề, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh hiện lên 80,5%.
Bên cạnh đó, các nguồn lực về kinh tế, KHCN... cũng được tỉnh đầu tư thỏa đáng khi huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mới đây, tỉnh Bình Dương đã dự thảo khung định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo này chỉ rõ giải pháp sử dụng lao động thủ công sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động được đào tạo cùng với công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thời gian tới.
Phát triển có chọn lọc, coi trọng công nghệ cao
Với nhiều KCN và cụm công nghiệp, Bình Dương đang có lợi thế trong việc lựa chọn dự án đầu tư thích hợp, có chất lượng cao và bảo đảm môi trường. Tuy nhiên, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn về hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc huy động nguồn lực ngoài Nhà nước, hợp tác công tư chưa nhiều; tình trạng ô nhiễm môi trường do tốc độ công nghiệp hóa khá nhanh... đã tác động không nhỏ tới mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng: Tỉnh Bình Dương đang chú trọng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến những ngành nghề có ưu thế, tiềm năng dựa trên ĐMST; nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng KHCN, nhất là công nghệ xanh, tài chính xanh, quản trị xanh. Tỉnh cũng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ. Bình Dương đang hướng đến phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững.
Từ chủ trương ấy, tỉnh Bình Dương ưu tiên thu hút dự án xanh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh. Điển hình như: KCN VSIP 1, 2, 3; Tổng công ty Becamex IDC đang đẩy nhanh triển khai Khu công nghiệp KHCN theo lộ trình thực hiện Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” tại huyện Bàu Bàng. Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Chương trình phát triển KHCN và ĐMST phục vụ phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040. Chương trình nhằm nâng cao tỉ lệ đóng góp của KHCN vào tăng trưởng kinh tế thông qua yếu tố tổng hợp (TFP) khoảng 45% (năm 2025), trên 50% (năm 2030); gia tăng số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KHCN và số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST so với năm 2020. Đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt 40%.
Tầm nhìn đến năm 2040, tỉnh Bình Dương sẽ trở thành một trong những địa phương công nghiệp công nghệ cao, trung tâm của sản xuất và dịch vụ thông minh, dịch vụ KHCN, ĐMST hàng đầu của cả nước. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Bình Dương là: Việc đầu tư ồ ạt không phải là lựa chọn của tỉnh, mà phải xem xét, ưu tiên các nhà đầu tư có chất lượng, hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường để tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương vươn tầm quốc tế.
Nguồn Báo Quân Đội Nhân Dân